Kết quả Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất

Hiệp ước Nam Kinh đã được ký kết vào ngày 29 tháng tám 1842 đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh nha phiến lần thứ Nhất giữa Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland và nhà Thanh của Trung Quốc. Nhà Thanh phải bồi thường chiến phí cho Anh, mở 11 cảng và cho truyền đạo tự do. Hương Cảng (Hong Kong) và vùng cửa sông Châu Giang được chuyển giao cho người Anh trong 99 năm và lợi ích của Anh phải được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc cân nhắc giao thương với bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác.

Điều ước chủ yếu gồm: Chuẩn cho người Anh mang quyến thuộc đến cư trú; đặt 5 cảng khẩu mậu dịch: Quảng Châu [Quảng Đông], Phúc Châu [Phúc Kiến], Hạ Môn [Phúc Kiến], Ninh Ba [Chiết Giang], Thượng Hải, thiết lập lãnh sự; cấp nhường Hương Cảng cho người Anh. Bồi thường nha phiến số tiền 600 vạn nguyên, tiền Hàng thương thiếu 300 vạn, tiền binh phí 1.200 vạn, tổng cộng 2.100 vạn nguyên; giao trước 600 vạn nguyên, số còn lại giao xong trong 4 năm. Chuẩn cho người Anh được tự do mậu dịch không kinh qua trung gian Hàng thương; trả người Anh bị bắt, khoan miễn cho người Trung Quốc từng giao dịch làm việc với Anh. Những hàng xuất khẩu đánh thuế một cách công bình; hàng hóa của nước Anh nhập khẩu theo lệ nạp thuế xong, thương nhân Trung Quốc vận chuyển không phải chịu thêm thuế. Sau khi Trung Quốc hứa thi hành hòa ước, quân Anh sẽ rút ra khỏi sông Trường Giang. Riêng Định Hải [Dinghai, Chiết Giang], đảo Cổ Lãng [Gulang, Phúc Kiến], thì đợi sau khi trả xong nợ và mở các cửa khẩu mới rút.

Đây là hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên mà Trung Quốc bị ép phải ký với các nước phương Tây. Học theo Anh, cả Mỹ và Pháp cũng gây sức ép để Trung Quốc phải ký những hiệp ước bất bình đẳng có một số nội dung tương tự. Thất bại của hiệp ước trong việc thỏa mãn các mục tiêu của Anh về quan hệ ngoại giao và thương mại được cải thiện đã dẫn tới chiến tranh nha phiến lần thứ hai (1856–60).[33].

Tại Trung Quốc hiện nay, cuộc chiến này được sử sách xem là bắt đầu của Bách niên quốc sỉ, tức là 100 năm đất nước Trung Quốc bị sỉ nhục và xâu xé bởi ngoại quốc. Khẩu hiệu “Vật vong quốc sỉ” (Đừng quên quốc sỉ) xuất hiện đầu thế kỷ XX và nhanh chóng trở thành chủ đề chính cho các cuộc vận động dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc. Hiện nay khẩu hiệu này được phổ biến rộng rãi, được đưa vào các sách giáo khoa lịch sử nhằm giáo dục các thế hệ sau ở Trung Quốc không được quên đi nỗi nhục mà tổ tông phải gánh chịu, không được quên đi những tội ác mà Đế quốc phương Tây đã gây ra, và mỗi người Trung Quốc phải biết nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước thành cường quốc để xóa đi nỗi nhục đó.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất http://cdmd.cnki.com.cn/Article/CDMD-10200-2008108... http://www.chinaforeignrelations.net/node/247 http://www.bbc.co.uk/dna/h2g2/A21388322 https://books.google.com/books?id=TQ4NAQAAMAAJ&q=B... https://books.google.com/books?id=mOu_DQAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=tNsDAAAAQAAJ https://books.google.com/books?id=xkZeKCdl0f0C&pg=... https://archive.org/details/smugglingassubve0000fa... https://archive.org/details/splendidexchange00bern... https://archive.org/details/splendidexchange00bern...